Sau đây là các dấu hiệu để mẹ bầu cần lưu ý:
Cảm giác bị bỏ rơi - Dấu hiệu sớm của bệnh trầm cảm sau sinh
Không cần có lý do cụ thể, những mẹ bị trầm cảm sau sinh thường có cảm giác đau khổ, vô vọng.
Thậm chí, họ có thể khóc lóc cả ngày vì tủi thân, hoặc vì cảm giác bị chồng con, gia đình bỏ rơi.
Cảm giác có thể xuất phát từ một hành động của người thân, hoặc có thể không cần một căn cứ cụ thể nào.
Ngoài ảnh hưởng tinh thần, rất dễ nhận thấy những mẹ bị trầm cảm cũng sẽ có vấn đề về sức khỏe.
Họ thường có cảm giác cơ thể bị suy nhược và thường xuyên mệt mỏi.
Họ thờ ơ với con cái, công việc và cả với chính bản thân mình.
Lo lắng
Những nỗi lo vô cớ cũng là vấn đề rất thường gặp ở những bà mẹ bị trầm cảm.
Họ có xu hướng cảm thấy đau một vùng nào đó trên cơ thể và cảm giác mình thực sự bị bệnh.
Nếu không được chữa trị, những triệu chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn.
Trái với nỗi lo về sức khỏe, nhiều mẹ lại có cảm giác lo lắng khi bước ra khỏi nhà.
Họ sợ phải gặp người thân, bạn bè. Thậm chí sợ cả việc trả lời tin nhắn hay điện thoại.
Hoảng hốt
Nếu bình thường bạn là người dễ hốt hoảng thì trầm cảm sẽ càng đẩy mức hoảng hốt lên cao độ hơn.
Kể cả với những tình huống hàng ngày, bạn cũng có thể cảm thấy hoảng hốt và rất khó có thể lấy lại sự bình tĩnh cho mình.
Căng thẳng
Căng thẳng thường là “bộ đôi” với trầm cảm sau sinh.
Những mẹ thường xuyên phải chịu áp lực căng thẳng sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.
Bệnh trầm cảm cũng nghiêm trọng hơn. Họ thường gặp khó khăn để có thể thư giãn được và hầu như luôn có cảm giác muốn nổ tung.
Cảm giác bị ám ảnh
Mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể cảm thấy ám ảnh về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó.
Cùng với việc bị ám ảnh, nhiều mẹ cũng có cảm giác tội lỗi.
Nếu phát hiện dấu hiệu này, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Rất nhiều trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến con hoặc người thân vì trầm cảm sau sinh.
Mất tập trung
Rất nhiều mẹ sau sinh gặp vấn đề về ghi nhớ. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mình khó tập trung khi xem phim, đọc sách
hoặc không sắp xếp được suy nghĩ cũng như trò chuyện một cách bình thường với mọi người,
bạn có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
Rối loạn giấc ngủ
Khác với các mẹ bỉm sữa vừa đặt lưng là ngủ vì quá mệt, các mẹ bị trầm cảm thường rất khó ngủ.
Bạn có thể nằm thao thức đến sáng, hoặc thường gặp ác mộng và giật mình vào giữa đêm.
Những lúc như vậy, việc có thể trở lại giấc ngủ dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Mất hứng trong quan hệ tình dục
Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra với các mẹ sau sinh. Tuy nhiên, những người bị trầm cảm thường có cảm giác không muốn đụng chạm nhiều hơn.
Những trường hợp này sẽ biến mất sau khi trầm cảm được điều trị.
Khi phát hiện mẹ sau sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, gia đình cần cân nhắc việc đưa họ tới khám bác sĩ chuyên khoa.
Việc điều trị trầm cảm sau sinh càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao.